Các bước tiến hành trong một cuộc điều tra xã hội học về dư luận xã hội
- Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 13:31
- Lượt xem: 28078
(TGAG)- Dư luận xã hội là nguồn thông tin phản hồi có vai trò rất quan trọng đối với quá trình ra quyết định của các cơ quan lãnh đạo, quản lý xã hội. Để có được những quyết định đúng đắn, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nắm chắc được tâm trạng, suy nghĩ, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đối tượng mà các quyết định nhằm vào.
Muốn nghiên cứu dư luận xã hội cần phải có thông tin trực tiếp và gián tiếp phản ánh tình hình tư tưởng nói chung và các yếu tố tác động đến tâm trạng xã hội nói riêng. Các thông tin này có được từ hai nguồn chủ yếu. Thứ nhất, từ báo cáo do các chủ thể khác nhau cung cấp cho các cơ quan cấp trên. Thứ hai, từ các cuộc điều tra xã hội học về dư luận xã hội.
Để tiến hành một cuộc điều tra xã hội học về dư luận xã hội thu được kết quả sát với thực tế, công tác chuẩn bị là rất quan trọng.
Trong công tác chuẩn bị, phải xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm đảm bảo cho chất lượng và hiệu quả của một cuộc điều tra. Bản kế hoạch đó được gọi là phương án điều tra, gồm các mục chính sau: Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, thời điểm, tổ chức thực hiện; kế hoạch công việc, kế hoạch kinh phí và thời gian biểu thực hiện các công việc; đối tượng, đơn vị điều tra; thiết kế phiếu điều tra và biên soạn tài liệu hướng dẫn điều tra và ghi chép phiếu; tuyển chọn và tập huấn điều tra viên; tiến hành điều tra; xử lý kết quả điều tra.
1. Xác định mục đích yêu cầu và nội dung
Xác định mục đích yêu cầu và nội dung thông tin là việc làm đầu tiên của bất kỳ một cuộc điều tra nào. Nếu không xác định rõ mục đích, yêu cầu cũng như nội dung thông tin cho cuộc điều tra thì cuộc điều tra sẽ mất phương hướng và rất dễ dẫn đến sụp đổ. Mặt khác nếu không xác định được mục đích yêu cầu của cuộc điều tra thì không thể nào xây dựng được phương án điều tra và vì vậy cũng không thể bảo vệ được kinh phí cho cuộc điều tra.
2. Xác định đối tượng và đơn vị điều tra
Đây cũng là một công việc quan trọng của một phương án điều tra. Sau khi xác định được mục đích yêu cầu cũng như nội dung thông tin cần thu thập, người làm công tác xây dựng phương án điều tra cần xác định xem chủ thể nào mang các thông tin cần thu thập và thu thập thông tin về các chủ thể này ở đâu. Tức là xác định cho được đối tượng và đơn vị điều tra.
2.1. Xác định đối tượng điều tra: Việc làm này rất quan trọng vì việc xác định đối tượng điều tra chính xác thì việc xác định cỡ mẫu và chọn các đơn vị vào mẫu mới đảm bảo tính chính xác về mặt nội dung nghiên cứu và đáp ứng được yêu cầu đề ra.
2.2. Xác định đơn vị điều tra: Đơn vị điều tra là nơi thông tin cần thiết được thu thập. Đơn vị điều tra có thể trùng hoặc không trùng với đối tượng được điều tra. Trong công tác điều tra nói chung việc xác định đơn vị điều tra rất cần thiết, bởi nó giúp cho việc điều tra không bị trùng cũng như không bị sót.
3. Thiết kế phiếu điều tra
Phiếu điều tra (còn được gọi là bảng hỏi; phiếu hỏi; phiếu trưng cầu ý kiến;…) được xem là phương tiện mang tin. Nó được sử dụng để thu thập thông tin từ các đối tượng điều tra. Mặt khác nó cũng được sử dụng để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê cần thiết của cuộc điều tra. Do đó cần thống kê các câu hỏi để thu thập được các thông tin cần thiết cho cuộc điều tra một cách chính xác nhất.
Thông thường, để có được các thông tin chính xác cần sử dụng thêm các câu hỏi phụ nhằm gợi ý cho người được phỏng vấn nhớ lại các sự kiện một cách chính xác.
3.1. Các yêu cầu khi thiết kế phiếu điều tra
Khi xây dựng phiếu điều tra cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Phiếu điều tra phải đảm bảo sao cho sau khi xử lý thu được các thông tin cần thiết đã đặt ra;
- Hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót có thể xảy ra trong quá trình điều tra;
- Các câu hỏi trong phiếu phải là các câu hỏi đơn nghĩa;
- Phải tạo điều kiện cho khâu nhập tin được dễ dàng không bị sai sót;
- Tiết kiệm được kinh phí cho cuộc điều tra.
+ Câu hỏi đóng là câu hỏi tất cả các khả năng trả lời đều đã được thể hiện trên phiếu. Bên cạnh các khả năng trả lời thường để các ô trống và các con số được dùng làm mã. Khi câu trả lời nào phù hợp với nhận định của người được phỏng vấn thì sẽ đánh dấu vào ô trống của khả năng đó.
+ Câu hỏi mở là câu hỏi các khả năng trả lời chưa được thể hiện trên phiếu. Khi điều tra, ý trả lời của người được phỏng vấn sẽ được ghi vào dòng trống ở bên cạnh hoặc phía dưới câu hỏi.
3.2. Hình thức của phiếu điều tra
Một phiếu điều tra bao giờ cũng cần phải có các bộ phận sau đây:
a. Bộ phận dùng để nhận dạng: Bao gồm tuổi, giới tính, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo,… của đối tượng được điều tra.
b. Bộ phận dùng để thu thập thông tin. Bộ phận này là bộ phận quan trọng nhất của phiếu điều tra. Nó giúp cho chúng ta thu được các thông tin cần thiết để tính toán các chỉ tiêu thống kê mà mục tiêu của cuộc điều tra đặt ra.
Khi thiết kế các câu hỏi cho phiếu cần phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: các câu hỏi càng ngắn càng tốt; các chủ đề thông tin hay tiêu thức điều tra cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và một tư duy lôgic tự nhiên có liên quan đến việc trả lời câu hỏi; các chủ đề hay tiêu thức điều tra phải rõ ràng, chỉ có một nghĩa để tránh hiểu sang nghĩa khác; các tiêu thức và câu hỏi phải ở dạng dễ hiểu; tránh sử dụng các câu hỏi nặng nề; các câu hỏi và mã của chúng phải được xếp đặt sao cho khi nhập thông tin (các mã số) vào máy ít bị sai sót nhất; bố cục của câu hỏi phải được sắp xếp sao cho việc tính toán các chỉ tiêu thuận lợi nhất.
4. Tuyển chọn và tập huấn điều tra viên
Để tiến hành thu thập được thông tin cần phải có đội ngũ điều tra viên. Chất lượng của cuộc điều tra một phần phụ thuộc vào chất lượng của điều tra viên. Thông thường, điều tra viên cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: có sức khỏe; có trình độ học vấn ít nhất là từ THCS trở lên; có khả năng giao tiếp xã hội.
Sau khi tuyển chọn được điều tra viên cần phải được tập huấn. Phương pháp tập huấn tốt hơn cả là “vừa giảng giải vừa cùng làm”.
5. Tiến hành điều tra (thu thập thông tin)
5.1. Chuẩn bị địa bàn điều tra: Việc chuẩn bị trước các địa bàn điều tra giúp cho khâu triển khai điều tra nhanh chóng và đúng đơn vị cũng như đối tượng điều tra.
5.2. Tổ chức giám sát công tác điều tra: Đây là khâu quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng của cuộc điều tra, qua đó nắm chắc tình hình hoạt động của điều tra viên, kịp thời phát hiện sai sót và uốn nắn cho đúng quy định.
6. Xử lý và tổng hợp số liệu mẫu
Sau khi thu thập thông tin cần phải xử lý các thông tin thu được trong các phiếu điều tra. Trong giai đoạn này các công việc sau đây cần được thực hiện: kiểm tra và mã hoá các phiếu điều tra; nhập thông tin từ các phiếu điều tra vào máy tính; kiểm tra và hiệu đính các thông tin đã được nhập vào máy tính; tổng hợp sơ bộ các kết quả điều tra để xem xét và hiệu chỉnh.
7. Viết báo cáo kết quả cuộc điều tra
Trên cơ sở phân tích tổng hợp kết quả điều tra tiến hành viết báo cáo tổng hợp kết quả của cuộc điều tra theo mục đích, yêu cầu đề ra.
8. Dự trù kinh phí điều tra
Để cuộc điều tra có thể được tiến hành cần phải lập dự trù kinh phí cho nó. Khi dự trù kinh phí tối thiểu phải đảm bảo có các mục sau đây: thiết kế, in ấn tài liệu, phiếu điều tra; tập huấn đào tạo; thù lao cho điều tra viên và người dẫn đường; công tác phí, phương tiện, trang thiết bị cho cuộc điều tra; kinh phí cho xử lý, tổng hợp và phân tích kết quả điều tra./.
Tôn Phước Hùng